Sông An Lão ở rất gần với những bản làng Hre, Bana ở thượng nguồn và thôn xóm người Kinh vùng hạ lưu. Sông đi đến đâu, sự sống bừng lên tươi xanh, trù phú đến đó. Sông bao đời lặng lẽ dâng tặng cho người dân đại ngàn nguồn nước ngọt, cho con cá niên thơm ngon trứ danh và phù sa làm nên mùa màng bội thu.
Phác thảo sông An Lão
Sông An Lão là sông lớn thứ 3 trong tỉnh, xếp sau hai sông Côn và Lại Giang. Sông An Lão có diện tích lưu vực khoảng 697km2, dài gần 40km. Đây là dòng sông lớn nhất của huyện, bắt nguồn từ các dãy núi phía tây. Các dòng suối ở đầu nguồn phía tây bắc và các dòng suối Nước Bo, Nước Điệp, Nước Giáp, Nước Rấp, nước Đinh hợp lại thành sông Brêu, rồi ra sông An Lão. Trên đường đi, sông An Lão còn nhận nước từ sông Vố, sông Xang…, nhờ những phụ lưu này mà sông An Lão mỗi lúc mỗi thêm nhiều nước. Ở thượng nguồn, sông An Lão chảy theo hướng tây bắc – đông nam, đến vùng Đất Dài chảy theo hướng bắc – nam đổ về địa phận huyện Hoài Ân, đến Phú Văn gặp dòng Kim Sơn hợp thành sông Lại.
Từ ngã ba sông An Lão – Kim Sơn nhập lưu, chúng tôi bắt đầu chuyến lãng du cùng sông An Lão. Nơi hai con sông gặp nhau tại vùng giáp ranh giữa hai huyện An Lão và Hoài Ân, ngã ba sông có hình chữ V rất cân đối. Bạn đường của tôi, là dân Phú Văn (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), không những hưởng hạt gạo dẻo thơm mỗi ngày nhờ phù sa sông An Lão mà còn nên duyên với một cô gái quê Tân Lập (xã An Tân, huyện An Lão) nơi ngôi nhà của “ông bà nhạc phụ” quay mặt ra sông – “xuất thân” ấy làm bạn có cảm xúc đặc biệt khi đứng ở ngã ba sông. Bạn hồ hởi khoe, rằng mình vừa “khám phá” ra, nơi hai con sông Kim Sơn, An Lão trao nhau nụ hôn đằm thắm, ngàn đời không ngưng nghỉ này, nước sông có chút gì như vừa ngượng ngùng, e ấp vừa quyến luyến không rời…
Sông nước An Lão thanh bình
Cũng tại ngã ba sông, đập vào mắt chúng tôi là những hình ảnh rất thanh bình. Bên kia bờ, dưới những bóng dừa rợp mát, người già, trẻ nhỏ thong thả ngồi buông câu. Phía bên này, những trai làng lưng trần đẫm mồ hôi, tay thoăn thoắt vung lên hạ xuống những lưỡi “bênh”, xúc cát tấp qua tấm khung lưới để thu về những mẻ cát mịn hơn. Tiếng nói chuyện râm ran không dứt, những tràng cười vui vẻ của họ vọng lại, âm vang trên ngã ba sông, làm vơi đi nỗi vất vả của một công việc nặng nhọc. Một kiểu lấy cát không phải bằng con đường khai thác tận diệt “rút ruột lòng sông” mà chỉ là sự hưởng lợi của người dân sống đôi bờ. Quà của sông cho người dân đôi bờ nhiều khi chỉ đơn giản là vậy, là con cá con tôm cho bữa ăn ấm cúng bên gia đình, là khi cần chạy ào ra sông, xúc, đãi, gánh về thúng cát xây, cát tô để chữa lại cái nền nhà bị bong tróc ximăng…
Từ nơi giao nhau với sông Kim Sơn, ngược hướng về thượng nguồn, dọc theo tỉnh lộ 629, dòng An Lão thoắt ẩn, thoắt hiện như thực, như hư. Sông An Lão chảy qua địa phận Hoài Ân như gạch nối mà phân định giữa các xã: Ân Mỹ – Ân Thạnh; Ân Mỹ – Ân Tín; Ân Hảo Đông – Ân Hảo Tây. Ở mỗi đoạn sông, mỗi địa phương, dấu ấn phù sa đều thể hiện rõ nét, đặc biệt hưởng lợi nhiều nhất là anh em song sinh Ân Hảo Tây và Ân Hảo Đông. Đó là những bãi cồn được hình thành qua hàng trăm năm bồi đắp, đem lại nghề trồng dâu nuôi tằm cũng như sự thịnh vượng cho người dân nơi đây.
Trên dặm dài đôi mươi cây số theo sông, một trong những điều cuốn hút tôi là hình ảnh những cây cầu nối đôi bờ. Đó có thể là những cây cầu bê-tông hiện đại, vững chắc như cầu Mỹ Thành, cầu Vạn Trung ở huyện Hoài Ân hay cầu Gò Dài ở An Lão. Đó còn là những cây cầu được làm từ các vật liệu tre, gỗ qua bàn tay khéo léo của người dân địa phương, mang nét hoang sơ, duyên dáng, thơ mộng. Chúng tôi đã thấy, đã đi trên những chiếc cầu như thế: cầu tre nối đôi bờ thôn Bình Hòa Bắc, Ân Hảo Đông và Tân Xuân, Ân Hảo Tây hay cầu gỗ bắc qua sông An Lão đoạn chảy qua địa phận thôn 3, xã An Dũng… Như một nét kẻ trên đôi mắt dòng sông, những chiếc cầu dân sinh tự tạo ra đời để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện giữa đôi bờ. Mỗi năm, cầu xuất hiện trên sông chỉ vào mùa khô, đến mùa mưa lũ, để đảm bảo an toàn, cầu lại được gỡ ra, xếp cất trong nhà dân và được kiểm tra, gia cố cho lần dùng vào mùa khô năm tới.
Người dân ở thượng nguồn bảo rằng, ngày nay nước sạch đã được dẫn về đến tận làng, tận nhà nên bến sông bớt đi cảnh nhộn nhịp, tấp nập của cảnh sáng sáng, chiều chiều tắm gội, giặt áo bên sông. Sông ở cạnh làng, song một ấn tượng nữa trong chúng tôi là sông An Lão ở thượng nguồn rất sạch sẽ, quang đãng, nước sông giữ được màu xanh trong nguyên thủy. Đây là thói quen sinh hoạt tốt của người dân vùng cao, cho thấy một tình yêu giản dị, cụ thể và đầy ý nghĩa đối với con sông quê nhà. Sông gần gũi, thân thuộc với người dân hai bên bờ không chỉ vì nơi sông ở khá gần với bản làng, gần với nhà dân mà còn bởi cảm giác an toàn, cùng chung sống yên bình, được chở che mà sông mang lại. Sông An Lão hiền lành, chẳng mấy khi hung hãn ngay cả trong mùa mưa lũ. Sông êm đềm, lặng lẽ như một bà mẹ quê, nhân từ, vỗ về, ôm ấp đàn con từ đầu nguồn đến cuối bãi.
Tặng vật của dòng sông An Lão
Chảy đến địa phận thôn 3, thôn 4 xã An Dũng, lòng sông đột nhiên rộng ra, mênh mang. Nước thì trong xanh tận đáy, mặt sông thì êm đềm không một chút gợn. Trên sông, một chiếc cầu gỗ duyên dáng bắc qua. Sông in bóng những vườn cau quả chín đỏ ối. Xa xa là những khoảnh ruộng bậc thang, lúa tới kỳ làm đòng, hương nhẹ thoảng trong gió. Trên hành trình về xuôi, lòng sông lúc mở lúc thắt, lúc nông lúc sâu, song dòng đều miên man, mải miết chảy, nhưng tại đây, sông như vừa đi vừa nghĩ ngợi. Một sự ngưng tụ khiến có cảm giác sông như hồ. Cùng sông dừng chân tại điểm này, chúng tôi được chiêm ngưỡng bức tranh vùng cao hữu tình. Đi trên cây cầu gỗ, ra với giữa sông mà phóng tầm mắt vào bao la trời đất, mà hít thở không khí ngập tràn mùi thảo dã, mọi nóng bức, mệt nhọc bụi đường tan biến đâu cả.
Có 3 người đàn ông đang bắt cá trên sông. Người lớn tuổi nhất – ông Đinh Mói (80 tuổi) bắt cá bằng cách thả lưới, còn hai người con rể Đinh Văn Hùng và Đinh Văn Trung (cùng ở thôn 3 – An Dũng) thì lặn ngụp xuống sông để bắn cá. Rất có thể đây là những tay “sát cá” cừ khôi ở vùng An Dũng này, bởi chỉ chừng chưa đầy nửa giờ, Hùng và Trung đã đưa lên bờ khoảng 2 kg cá. Chừng ấy thời gian như cũng đã đủ để ông Mói giở lưới. Thành tích của lão ngư bát thập này không kém cạnh hai chàng rể. Họ hài lòng với thành quả lao động của mình, cuộn lưới, cho tất cả cá vào bao tải nhỏ, rửa tay chân sạch sẽ rồi lên cầu ngồi.
“Đoạn sông này là vựa cá sông ban cho người dân chúng tôi đấy. Khô hạn cỡ nào sông vẫn đầy nước, cá thì đủ dùng cho cả thôn. Tuy nhiên ở đây chỉ nhiều cá dóc, cá phá, còn muốn cá niên thì phải lên tận các thác, suối chảy mạnh ở đầu nguồn kia”, ông Mói nói, tay chỉ về hướng lên An Vinh.
Trước khi đặt mình lên địa phận Hoài Ân, Hoài Nhơn, sông An Lão đã làm cú hiến mình ngoạn mục cho quê nhà. Như một cách tri ân của sông cho quê nhà. Sông bao đời tích tụ phù sa, làm nên những mùa vàng cho nhân dân An Lão vùng hạ lưu. Nói đến nguồn lợi, phù sa sông An Lão mà không nhắc đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh đã được huyện chọn xây dựng cánh đồng mẫu lớn như Trà Cong, Vạn Khánh, Vạn Xuân (An Hòa); Thận An, Tân Lập (An Tân); Hưng Nhơn (thị trấn An Lão)… sẽ là một thiếu sót đáng tiếc.
“Bắp thì thân cao như mía, trái to bằng cổ chân”, ông Trần Văn Mót, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Vạn Khánh vắn tắt đầy tự hào về nông sản “ra lò” từ những cánh đồng có tục danh Xoi Sũng, Xoi Lớn, Cồn Cây Gáo… ven sông An Lão. Nơi đây được gọi là “nồi cơm”, “bầu sữa” của người An Lão. Đất đai đặc biệt thích hợp cho các loại cây trồng như dâu, bắp, đậu phộng, mè. Sản lượng bắp ở đây có năm đạt mức đỉnh điểm 6 tạ/sào. Để thuận tiện cho việc chuyên chở phân lạc, thu hoạch nông sản, có một con đường bê-tông hẳn hoi dẫn đến cánh đồng ngô! Nơi này nước sông chảy “xà quần”, tích tụ phù sa không biết bao nhiêu mà kể, mỗi mùa lụt qua đi, bà con í ới gọi nhau ra thăm đồng, chân lội mà thấy bùn non dày đến gối thì mặt hỉ hả cười”, người cầm chịch hội nghề nông ở Vạn Khánh, cũng là một nông dân sản xuất giỏi, cho biết.
Cũng trên cánh đồng Vạn Khánh, tôi còn được gặp “triệu phú nông dân” Phạm Hồng Thái, năm nay 58 tuổi. Gia đình ông Thái hiện có 3 mẫu đất ven sông, trên đó trồng chủ lực là cây dâu, ngoài ra xen canh thêm cây ngô. Cuộc đời ông cần mẫn trên cánh đồng, thủy chung với đất mẹ, với một tư duy, cách làm nông nghiệp đổi mới, hiệu quả và được đáp đền xứng đáng. Ông Thái quả quyết: “Từ năm 1983, tôi đã mạnh dạn thuê mấy mẫu đất để trồng dâu, nuôi tằm và chung thủy với nghề này từ đó đến nay. Nghề có lúc thăng trầm, ai chặt bỏ cây dâu, dẹp nong nia chứ tôi nhất quyết không. Thu nhập gia đình tôi 100% từ nghề nông, trong đó 90% là từ cây dâu, con tằm, còn 4 sào ruộng để lấy gạo ăn. 4 con tôi, rồi sau này đến đàn cháu, lớn khôn, ăn học nên người cũng nhờ nghề này”.
* Bút ký của Sao Ly – Thanh Bình, Báo Bình Định