Lễ cúng Thần làng của người Hre An Lão Bình Định

Người H’re đã có một quá trình sinh sống lâu đời trên quê hương An Lão, với sức sáng tạo văn hóa không ngừng và được bồi đắp qua bao thế hệ. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và chuyển tiếp từ đời này sang đời khác; các nghi lễ truyền thống đặc trưng của dân tộc, cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị độc đáo của nó. Qua từng nghi lễ, ta thấy những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người H’rê được thể hiện và gởi gắm nơi đây. Trong số đó phải kể tới Lễ cúng Thần làng (Yàng plây) – Một trong những lễ cúng vô cùng đặc sắc của người H’re An Lão.

Cúng Thần làng là một nghi Lễ cổ truyền từ rất xa xưa. Hỏi người già nhất trong làng, Già chỉ nói: “Không biết nó có tự bao giờ, khi lớn lên Già đã chứng kiến Lễ cúng này rồi”…Đây là Lễ cúng của cộng đồng để tạ ơn Yàng (thần), Tổ tiên phù hộ bảo vệ dân làng; là Lễ cúng cầu mong các đấng Thần linh mang đến cho dân làng ấm no, hạnh phúc; cho mỗi gia đình sung túc đủ đầy, không bệnh tật ốm đau; cầu mong cho một năm mới yên bình, mùa màng tươi tốt, ngô lúa đầy kho...

Trong ngày diễn ra Lễ cúng, những người lớn tuổi trong làng cùng nhau dùng lá cây, tre trúc rào chắn cổng làng lại… Cách rào chắn chỉ mang tính tượng trưng, nhằm báo hiệu cho mọi người biết làng này đang cúng Thần. Bản làng đặt trong trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bởi người H’re quan niệm trong ngày cúng, nếu ai đó ra khỏi làng sẽ mang đi hết những điều tốt đẹp, may mắn; ngược lại nếu có người lạ vào làng, những điều xấu, không may mắn sẽ theo vào và năm đó người dân trong bản sẽ hay ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất thu. Trong ngày diễn ra Lễ cúng, người trong làng không được to tiếng cãi vã với nhau, ngược lại các gia đình luôn gần gũi, thân tình, gắn bó…

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch; khi mùa gieo trồng, cấy hái xong, chuẩn bị cho một cái tết cổ truyền. Người H’re có tục cúng Thần làng…Với ý nguyện cầu xin Thần làng, Thần núi, Thần sông, Thần đất đai, Tổ tiên… phù hộ cho bản làng mình một năm mới an bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đồng thời, đây còn là dịp để củng cố tình đoàn kết cộng đồng và bắt đầu cho một năm lao động sản xuất tiếp theo.

Lễ cúng Thần được thực hiện tại giữa làng hoặc ở sân Nhà văn hóa. Để chuẩn bị cho Lễ cúng. Già làng, Trưởng thôn thông báo, họp bàn với dân làng. Mỗi người được giao một phần việc cụ thể: Thanh niên trai tráng thì làm vệ sinh bản làng; phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa; con gái thì được giao hái rau, lấy củi…; từng thành viên trong làng đều móng muốn đóng góp sức người, sức của của mình cho Lễ cúng này.

 Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng gồm: 01 cặp gà trống, mái; 01 cái sạp (P’roang); 2 cái lóh được đan bằng cây đót trên phủ lá cà te, 01 ché rượu cần nhỏ, 01 cái Kđáp, 02 thanh cây (Loang Krooc), 01 miếng gu, trầu cau, rượu; 01 sợi chỉ trắng…

Những vị Thần linh được tôn xưng và gọi về để cúng dâng lễ vật đó là: Yàng Plây (Thần làng), Yàng Rét (Thần nước), Yàng Giang (Thần sông), Yàng Gông (Thần núi), và Tổ tiên của người H’re…
Khoảng 5 – 6 giờ chiều, trong làng nhộn nhịp, háo hức chờ đến giờ thiêng cúng thần. Các lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ đã sẵn sàng. Một người có uy tín đi gọi dân làng tập trung ra giữa làng.

Người có uy tín gọi: Hỡi lũ làng… Hú hú hú…đã đến giờ thiêng hãy cùng tập trung mang lễ vật ra đây cúng Thần làng…
Dân làng: Hú đáp lại… hú hú…và lần lươt kéo nhau ra giữa làng

Lễ cúng Thần Làng được diễn ra qua 2 bước:

Bước 1: Cúng xói lễ vật

Khi thầy cúng có mặt, vợ chồng chủ làng và mọi người đã tập trung đông đủ, lễ vật đã sẵn sàng. Lễ cúng thường bắt đầu vào chiều tối. Theo quan niệm của người H’re, đây là thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, là lúc các vị Thần sẽ hiển linh sẵn sàng có mặt…

Đầu tiên, vợ chủ làng đeo sợi chỉ trắng vào cổ thầy cúng và đổ rượu mời thầy để thầy cúng phép. Lúc này, dân làng bỏ trầu cau vào sạp. Trước lúc đi dự Lễ cúng, mỗi người đã chuẩn bị sẵn cho mình một ít trầu, cau mang theo; thể hiện thành ý, sự tưởng nhớ đến Tổ tiên và các vị Thần…
Sau đó, thầy cúng đốt Nhoi Clâu (trần hương).
Tiếp theo, thầy cúng dâng con gà sống lên trước cây nêu. Lúc này, tất cả mọi người cùng giơ hai tay về phía trước (Gọi là xang ti), để xin thần linh chứng giám lễ vật cúng Thần làng.
Lời cúng nói rằng: Hởi…Yàng… Hôm nay ngày lành, tháng tốt… Ta gọi thần từ phía Đông; ta gọi thần từ phía Tây; Không có việc nọ; Vẫn không có chuyện kia; Đây con gà nhỏ, đây là ché rượu con; Ta xin dâng lên Yàng. Xin các vị Thần linh, ông trời, bà đất phù hộ cho cái nhà được yên, cái buôn được lành, từ trẻ em đến người già; con trai con gái luôn được người ta yêu, người ta mến. Phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn phát đạt, không ốm đau bệnh tật… Hơi…Yàng…

Sau đó, Thầy cúng thực hiện nghi thức cắt cổ gà. Đầu tiên là nhổ một ít lông trên cổ con gà bỏ vào cái sạp, rồi cắt cổ lấy tiết. Tiết gà được bôi lên cây đót và lá trên bàn cúng, với ý nghĩa hiến tế Thần linh.
Trước khi đưa gà đi làm thịt, thanh niên cắt trên con gà mỗi bộ phận một ít (móng, mỏ, mắt, lưỡi…) bỏ vào sạp để mời các Thần đến ăn, rồi thầy tiếp tục cúng. Lúc này 2, 3 thanh niên tới nhận con Gà từ tay thầy cúng đem đi làm thịt.
Thầy cúng pha máu gà với rượu vẫy vào sạp với lời cúng: Ơi…Yàng, đây ta đang thờ Yàng, đây ta đang cúng thần, con gà, ché rượu dâng cho thần núi, thần sông, thần nước, mong các ngài giúp đỡ, mong các ngài phù hộ giúp dân làng được yên lành, mạnh khỏe, có lúa đầy bồ, có ngô đầy kho, ban cho trai, gái bản làng siêng năng, giỏi giang, biết quý người dòng họ, biết trọng người anh em….
Để tiếp thêm sức mạnh cho thầy cúng và để gởi gắm những điều muốn nói đến với Thần linh; vợ chủ làng đổ thêm rượu cho thầy cúng, thầy chế rượu lên cây nêu, với ước mong các Yàng chứng giám cho những lời cầu nguyện của bản làng.

Sau đó Già làng cùng thầy cúng đưa sợi dây làm lễ vật đặt vào Sạp với ý nghĩa cầu mong các gia đình trong bản làng được mạnh khỏe và bình an… Đây là giây phút hồi hộp đợi chờ và là lúc linh thiêng nhất của Lễ cúng; thầy cúng tiếp tục rải gạo cho thần linh xung quanh sạp và hỏi các vị thần linh đã chấp nhận lễ vật và tấm lòng của dân làng chưa?
Thầy cúng hỏi thần linh bằng cách xin keo… Theo niềm tin của người H’re là nếu 2 thanh cây (loang Krooc) lúc bỏ ra mà một úp, một ngửa tức là thần linh đã chứng giám và nhận lễ của dân làng.
Mọi người tỏ ra vui vẻ và phấn khởi khi lễ vật đã được Yang chấp nhận; Tại đây thầy cúng bắt đầu đốt gu, mùi trầm hương lan tỏa xua đi những u ám, rủi ro, ốm đau, bệnh tật… và thầy yêu cầu mọi người “xang ty” lần nữa để xua đuổi tà ma năm cũ đeo đẳng, chuẩn bị bước sang năm mới tốt lành. Mọi người cùng huơ tay với ý nghĩa và niềm tin như vậy.

Bước 2: Cúng rượu cần

Cuối năm cũng là dịp cúng Bến nước của đồng bào H’re, nước lấy từ dịp này sẽ được chủ làng cất giữ đến lúc cúng Thần làng sẽ đem ra đổ vào ché rượu cần dâng lên các vị Thần. Tại cây nêu giữa làng sẽ diễn ra nghi thức xói rượu cần. Trai gái bản làng vui mừng chọn một trong những ống nước đổ vào ché rượu cho thầy cúng xói.

Bài cúng ché rượu nói rằng: Hôm nay, ngày lành cúng thần làng. Mời Thần Núi, Thần nước, Thần Sấm, Thần sông… ông bà Tổ tiên … về ăn con Gà, uống ché rượu ngon của bản làng chúng tôi, mong các vị Thần và Tổ tiên bảo vệ, phù hộ cho nguồn nước uống được trong lành, dân bản mạnh khỏe và giàu sang, bản làng được bình yên, đoàn kết, làm ăn may mắn. Giúp cho trai gái siêng năng, giỏi giang, làm nương rẫy không biết mệt, cho lúa đầy bồ, ngô đầy kho, trồng chuối, trồng mía được thân to, trái tốt, ao suối có nhiều cá, chuồng trại có nhiều gà vịt, trâu, bò….
Thầy cúng tiếp tục rải gạo cho thần linh xung quanh làng và hỏi các vị thần linh đã chấp nhận lễ vật và tấm lòng của buôn làng chưa? Thầy hỏi thần linh bằng cách xin keo thêm một lần nữa…
Mọi người tỏ ra vui vẻ và phấn khởi khi lễ vật đã được Yàng chấp nhận. Lúc này lũ thanh niên cũng đã làm xong và nấu chín thịt gà; đem thịt gà chín tới đưa cho thầy cúng để tiếp tục bài cúng tế các thần linh…
Những người được uống rượu, ăn thịt đầu tiên là Thầy cúng, Già làng và những người có uy tín trong làng…Thanh niên cầm thịt mời thầy cúng, Già làng mỗi người một miếng, mọi người đưa lên miệng ăn, vui vẻ nói cười. Không khi trong làng trở nên rộn ràng và ấm áp hơn bao giờ hết.

Lúc này, Già làng bước tới cây nêu thông báo:

Già làng: Hú…hú…hú… Các thần đã nghe được và chứng giám cho lời cầu nguyện của bản làng. Mời dân làng tập trung đến đây, cùng quây quần ăn thịt, uống rượu và cùng nhau múa hát… hú …hú …hú….
Cồng Chiêng nổi lên, mọi người cùng nhau múa xoan, vui hát
Sau đó mọi người cùng quây quần xung quanh, ăn thịt, uống rượu vui vẻ, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, ai ai cũng mong các vị thần, tổ tiên phù hộ buôn làng được an bình, mọi người mạnh khỏe, nhà nhà no ấm, mùa màng bội thu.

Có thể nói, thế giới tâm linh của Đồng bào H’re nói chung và của huyện An Lão nói riêng, rất phong phú, đa dạng. Có rất nhiều thần linh được dân làng thờ cúng như: Thần làng, Thần nước, Thần sông, Thần núi… Đồng bào quan niệm đó là những vị thần gần gũi với người dân, giúp người dân có nhà ở, bảo vệ buôn làng, bảo vệ mùa màng… Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay người H’re vẫn giữ được nết đẹp truyền thống trong các Lễ cúng, nhưng không còn uống rượu nhiều như ngày trước.
Lễ cúng thần làng của người H’re là một hoạt động văn hóa mang tính tín ngưỡng tâm linh, thể hiện ý thức tôn trọng, lòng biết ơn Thần linh, Trời đất, Tổ tiên và hướng về cội nguồn. Đây cũng là dịp để thắt chặt khối đoàn kết, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau. Lễ cúng thần làng còn là phương thức bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian của đồng bào H’re An Lão.

Theo Bùi Đức Phú – anlao.binhdinh.gov.vn