Dấu tích Trường lũy An Lão

Trường lũy An Lão thuộc di tích “Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định” hay “Tĩnh Man trường lũy” (gọi theo sử nhà Nguyễn) là tên gọi của một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, chủ yếu làm bằng đá, chạy dọc theo đường thượng đạo xưa, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) dài khoảng 130 km.
Từ QL 1 tại TX Hoài Nhơn rẽ về hướng Tây theo tỉnh lộ 629, đi theo hướng Tây và gần song song sông Lại Giang, rồi áp sát bờ sông An Lão để đi về phía Bắc, kể từ đó tuyến đường cứ chạy dọc theo thung lũng xanh thẫm, ruộng đồng vườn tược với xóm làng tụ cư đông đúc. Tôi về huyện miền núi An Lão, nơi có một phần công trình Trường Lũy nổi tiếng và cũng là điểm cuối của bức tường đá chạy suốt từ Quảng Ngãi vào Bình Định.
Băng qua cầu Sông Vố nằm phía Nam khu hành chính huyện lỵ An Lão, các bạn đang đứng trước một địa điểm nổi tiếng thuở xưa, thủ sở Chí Đốc nguồn Trà Bình, mà tên cổ hơn là thủ sở Mộc Đốc thuộc nguồn Trà Đinh. Trà Đinh là một trong ba nguồn cổ xưa nhất ở phía Bắc Bình Định, cùng với nguồn Trà Vân và Ô Liêm, có từ thời Hồng Đức (sau năm 1471).
Làng Hưng Nhơn ngày nay thuộc địa giới thị trấn An Lão. Vào đầu thế kỷ XIX làng có tên là Hưng Long, là nơi đóng thủ sở Mộc Đốc. Về sau làng Hưng Long đổi thành Hưng Nhơn và đến nay thuộc thị trấn An Lão. Cả một khu vực rộng lớn của trung tâm hành chính huyện An Lão chủ yếu nằm bên hữu ngạn sông An Lão. Điều lý thú là cả khu vực sầm uất của trung tâm huyện lỵ An Lão đều nằm trong ranh bảo vệ của Trường Lũy xưa. Bức tường đá kỳ vĩ này chạy ở phía Tây và vòng lên phía Bắc trung tâm huyện lỵ An Lão.
Lần theo tư liệu và thực địa cho thấy dấu vết đoạn Trường Lũy ở khu vực này giờ khá mờ nhạt. Tuy nhiên một tòa đồn nằm ở đoạn cuối cùng lại rất rõ – đồn Gò Thơm, đây cũng chính là điểm kết thúc của Trường Lũy nổi tiếng chạy suốt từ Quảng Ngãi vào Bình Định. Dấu vết còn lại cho thấy bức tường bao quanh khu vực làng Hưng Nhơn rồi vượt sông An Lão, chạy về phía Đông Bắc và có xu hướng tách dần khỏi bờ sông. Một phần bức Trường Lũy vẫn còn tồn tại rõ nét trên thực địa và tôi tạm dừng hành trình tại đồn Hóc Điền (người địa phương phát âm là Hóc Đèn).
Trên một quãng mà Trường Lũy đi qua chỉ khoảng hơn 3 cây số tính từ đồn Gò Thơm về đồn Hóc Điền, có tất cả 4 đồn, trong đó đồn Gò Bùi là đồn lớn nhất và có thể là đồn trung tâm của hệ thống sơn phòng bảo vệ khu vực này. Tiếc là tòa đồn này đã bị san bạt phần lớn và chỉ còn lại bức tường phía Đông. Ở Bình Định giờ đây khi nhắc đến Trường Lũy hầu hết đều nhớ đến đoạn trên Núi Chúa – thuộc xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn, đoạn cuối cùng thuộc huyện An Lão chỉ còn mờ nhạt trong tâm thức kể cả với người dân bản địa. Trong câu chuyện của mình với người dân địa phương thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một vài cư dân gốc mà chính họ cũng không hề biết rằng rất có thể mình là hậu duệ của những người lính cai quản Trường Lũy năm xưa.
Lực lượng sơn phòng đồn trú, cai quản Trường Lũy chính thức bị xóa bỏ vào năm 1899, tuy nhiên tại Bình Định một số đồn vẫn được giữ lại như đồn Chí Đốc (ở thôn Hưng Nhơn, An Lão), đồn Lão Thuộc (ở thôn An Đổ, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn). Khi chế độ thực dân xâm nhập đến những miền đất xa như An Lão, họ đã tìm cách khai thác lợi ích ở đây và ông Alavoine, một người Pháp, được chính phủ bảo hộ Trung kỳ cho thuê nhượng địa để xây dựng đồn điền vào năm 1901 với diện tích lên đến 500 ha. Tư liệu cho thấy, ranh giới phía Tây của khu nhượng địa được giới hạn bởi chính công trình Trường Lũy.
Di tích Trường Lũy tại Cao nguyên Là Vuông

Vật đổi sao dời, hàng trăm năm đã qua và nay khu nhượng địa không còn một dấu tích nào nữa trên đất An Lão. Thế nhưng Trường Lũy vẫn đứng vững và đầy tính biểu tượng. Tôi đã cố tìm những thông tin về Trường Lũy trong ký ức những người dân địa phương nhưng hầu như không được gì. Có lẽ cần phải có thêm nhiều thời gian hơn nữa để tìm gặp thêm bà con. Với tư cách là điểm cuối cùng của di tích cấp quốc gia Trường Lũy, hy vọng rồi đây chính quyền và người dân huyện miền núi này sẽ ý thức rõ ràng hơn mình đang sở hữu di sản quý giá đến nhường nào. Âm vang Trường Lũy vẫn vọng về qua những tiếng reo hò của cây rừng, lau lách bên bờ sông, của dòng nước miền cao đang tuôn chảy về biển cả.

“Trường Lũy Quảng Ngãi – Bình Định” hay “Tĩnh Man trường lũy” (gọi theo sử nhà Nguyễn) là tên gọi của một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, chủ yếu làm bằng đá, chạy dọc theo đường thượng đạo xưa, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) dài khoảng 130 km.
“Lũy mang tính đa chức năng: Quân sự, kinh tế, giao thương, giao thông giữa miền ngược, miền xuôi, vừa là đường huyết mạch gắn kết đất nước. Công trình này được xem là dài nhất Đông Nam Á, với sự đa dạng của cấu trúc và kỹ thuật xây dựng. Đây cũng là công trình đa chức năng mà mỗi thời điểm có chức năng riêng như quân sự, giao thương và giao thông. Để có được sản phẩm lao động như vậy, phải có sự tham gia của các tộc người, cộng đồng người, chứng tỏ sự đoàn kết và giao lưu văn hóa… Đi liền với nó là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch Việt Nam”
– GS PHAN HUY LÊ
Theo anlao.binhdinh.gov.vn